fbpx

Tài liệu tuyên truyền Luật xây dựng

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ XÂY DỰNG NĂM 2014

Câu 1. Đề nghị cho biết những chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với các hoạt động đầu tư xây dựng được quy định tại Luật Xây dựng năm 2014?

Theo Điều 10 Luật Xây dựng năm 2014 quy định chính sách khuyến khích trong hoạt động đầu tư xây dựng như sau:

– Tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài được khuyến khích và tạo điều kiện nghiên cứu áp dụng khoa học và công nghệ xây dựng tiên tiến, sử dụng vật liệu xây dựng mới, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở xã hội, tham gia hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

– Các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng thuộc các thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng trước pháp luật, được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đầu tư xây dựng; ưu tiên nhà thầu có công trình được Nhà nước trao tặng giải thưởng chất lượng công trình xây dựng khi tham gia đấu thầu trong hoạt động xây dựng.

– Từng bước chuyển giao một số dịch vụ công do cơ quan quản lý nhà nước đang thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng cho tổ chức xã hội – nghề nghiệp có đủ khả năng, điều kiện đảm nhận.

Câu 2. Xin hỏi những hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng?

Các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 12 Luật Xây dựng năm 2014 thì trong hoạt động xây dựng cụ thể như sau:

1- Quyết định đầu tư xây dựng không đúng với quy định của Luật này.

2- Khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công theo quy định của Luật này.

3- Xây dựng công trình trong khu vực cấm xây dựng; xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử – văn hoá và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống, trừ công trình xây dựng để khắc phục những hiện tượng này.

4- Xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, trừ trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn; vi phạm chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng; xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp.

5- Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán của công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước trái với quy định của Luật này.

6- Nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng khi không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng.

7- Chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng.

8- Xây dựng công trình không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng cho công trình.

9- Sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, môi trường.

10- Vi phạm quy định về an toàn lao động, tài sản, phòng, chống cháy, nổ, an ninh, trật tự và bảo vệ môi trường trong xây dựng.

11- Sử dụng công trình không đúng với mục đích, công năng sử dụng; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.

12- Đưa, nhận hối lộ trong hoạt động đầu tư xây dựng; lợi dụng pháp nhân khác để tham gia hoạt động xây dựng; dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công xây dựng công trình.

13- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về xây dựng; bao che, chậm xử lý hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng.

14- Cản trở hoạt động đầu tư xây dựng đúng pháp luật.

Câu 3. Đề nghị cho biết quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng  và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng?

Theo Điều 68 Luật Xây dựng năm 2014 thì các chủ thể thực hiện dự án đầu tư xây dựng có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

Về quyền của chủ đầu tư:

+ Lập, quản lý dự án khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật này;

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về lập, quản lý dự án;

+ Lựa chọn, ký kết hợp đồng với nhà thầu tư vấn để lập, quản lý dự án;

+ Tổ chức lập, quản lý dự án; quyết định thành lập, giải thể Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án theo thẩm quyền;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

– Về nghĩa vụ của chủ đầu tư:

+ Xác định yêu cầu, nội dung nhiệm vụ lập dự án; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết trong trường hợp thuê tư vấn lập dự án; tổ chức nghiệm thu kết quả lập dự án và lưu trữ hồ sơ dự án đầu tư xây dựng;

+ Lựa chọn tổ chức tư vấn lập dự án có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật này;

+ Chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý, tính chính xác của các thông tin, tài liệu được cung cấp cho tư vấn khi lập dự án; trình dự án với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;

+ Lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để thẩm tra dự án theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức thẩm định dự án và của người quyết định đầu tư;

+ Tổ chức quản lý thực hiện dự án theo quy định tại Điều 66 của Luật này;

+ Kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án; định kỳ báo cáo việc thực hiện dự án với người quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

+ Thu hồi vốn, trả nợ vốn vay đối với dự án có yêu cầu về thu hồi vốn, trả nợ vốn vay;

+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 69 Luật Xây dựng năm 2014 thì Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng có các quyền và nghĩa vụ sau:

– Về quyền của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng

+ Thực hiện quyền quản lý dự án theo ủy quyền của chủ đầu tư;

+ Đề xuất phương án, giải pháp tổ chức quản lý dự án, kiến nghị với chủ đầu tư giải quyết vấn đề vượt quá thẩm quyền;

+ Thuê tổ chức tư vấn tham gia quản lý dự án trong trường hợp cần thiết sau khi được người quyết định đầu tư, chủ đầu tư chấp thuận.

– Về nghĩa vụ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng

+ Thực hiện nghĩa vụ của chủ đầu tư về quản lý dự án trong phạm vi được ủy quyền;

+ Tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng, chi phí, an toàn và bảo vệ môi trường trong xây dựng;

+ Báo cáo công việc với chủ đầu tư trong quá trình quản lý dự án;

+ Chịu trách nhiệm về vi phạm pháp luật trong quản lý thực hiện dự án;

+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Câu 4: Xin cho biết quyền và nghĩa vụ của nhà thầu tư vấn lập dự án, quản lý dự án đầu tư xây dựng của cơ quan, tổ chức thẩm định dự án đầu tư xây dựng và và của người quyết định đầu tư xây dựng trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng? 

a) Đối với nhà thầu tư vấn lập dự án, quản lý dự án đầu tư xây dựng

Theo Điều 70 Luật Xây dựng năm 2014 quy định quyền và nghĩa vụ của nhà thầu tư vấn lập dự án, quản lý dự án đầu tư xây dựng trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

– Về quyền:

+ Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ tư vấn được giao;

+ Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm tư vấn của mình theo quy định của pháp luật;

+ Từ chối thực hiện yêu cầu trái pháp luật của chủ đầu tư;

+ Các quyền khác theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.

Về nghĩa vụ:

+ Thực hiện nghĩa vụ theo nội dung hợp đồng đã được ký kết phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật;

+ Chịu trách nhiệm về chất lượng công việc theo hợp đồng đã được ký kết;

+ Bồi thường thiệt hại khi sử dụng thông tin, tài liệu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, giải pháp kỹ thuật, tổ chức quản lý không phù hợp và vi phạm hợp đồng làm thiệt hại cho chủ đầu tư;

+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng và của pháp luật có liên quan.

Đối với cơ bquan, tổ chức thẩm định dự án đầu tư xây dựng

Theo Điều 71 Luật Xây dựng năm 2014 quy định cơ quan, tổ chức thẩm định dự án đầu tư xây dựng có các quyền và nghĩa vụ sau:

– Về quyền:

+ Yêu cầu chủ đầu tư, tổ chức và cá nhân có liên quan cung cấp thông tin phục vụ công tác thẩm định dự án và giải trình trong trường hợp cần thiết;

+ Thu phí thẩm định dự án theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí;

+ Yêu cầu chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn hoặc mời chuyên gia tư vấn có đủ năng lực kinh nghiệm tham gia thẩm định dự án khi cần thiết;

+ Bảo lưu ý kiến thẩm định, từ chối thực hiện yêu cầu làm sai lệch kết quả thẩm định dự án.

– Về trách nhiệm:

+ Thẩm định nội dung của dự án đầu tư xây dựng theo quy định của Luật này;

+ Thông báo ý kiến, kết quả thẩm định bằng văn bản gửi cơ quan, tổ chức chủ trì thẩm định dự án để tổng hợp, báo cáo người quyết định đầu tư;

+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người quyết định đầu tư về ý kiến, kết quả thẩm định dự án của mình.

Đối với người quyết định đầu tư xây dựng

Theo Điều 72 Luật Xây dựng năm 2014 người quyết định đầu tư xây dựng có các quyền và nghĩa vụ sau:

– Về quyền:

+ Phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán xây dựng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng;

+ Không phê duyệt dự án khi không đáp ứng mục tiêu đầu tư và hiệu quả dự án;

+ Đình chỉ thực hiện dự án đầu tư xây dựng đã được phê duyệt hoặc đang triển khai thực hiện khi thấy cần thiết phù hợp với quy định của pháp luật;

+ Thay đổi, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng khi thấy cần thiết phù hợp với quy định tại Điều 61 của Luật này;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm:

+ Tổ chức thẩm định dự án và quyết định đầu tư xây dựng;

+ Bảo đảm nguồn vốn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng;

+ Kiểm tra việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng của chủ đầu tư; tổ chức giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 8 của Luật này;

+ Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng hoàn thành;

+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình;

+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Câu 5. Để quản lý chặt chẽ các công trình xây dựng, bảo đảm đúng quy hoạch, kiến trúc cảnh quan, môi trường và an toàn xây dựng, pháp luật đã quy định việc cấp giấy phép xây dựng. Vậy xin hỏi có phải mọi công trình xây dựng đều phải xin cấp giấy phép xây dựng hay không và hiện nay theo quy định của pháp luật có những loại giấy phép xây dựng nào?           

Theo Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 thì trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trừ những công trình sau thì được miễn giấy phép xây dựng gồm:

Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;

Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư;

Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính;

– Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình;

Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định của Luật này;

đ. Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;

Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc;

Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt;

Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa;

Chủ đầu tư xây dựng công trình được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại các điểm b, d, đ và i khoản này có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương để theo dõi, lưu hồ sơ.

Cũng theo quy định tại Điều này thì hiện nay có 03 loại giấy phép xây dựng là:

(1) Giấy phép xây dựng mới;

(2) Giấy phép sửa chữa, cải tạo;

(3) Giấy phép di dời công trình.

Câu 6. Xin cho biết điều kiện cấp phép xây dựng đối với công trình trong đô thị?

Theo Điều 91 Luật Xây dựng năm 2014 quy định về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị như sau:

– Phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

– Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

– Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hoá, di tích lịch sử – văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh.

– Thiết kế xây dựng công trình đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Điều 82 của Luật Xây dựng năm 2014.

– Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng phù hợp với từng loại giấy phép theo quy định tại các điều 95, 96 và 97 của Luật Xây dựng năm 2014.

Câu 7. Do nhu cầu nhà ở cao nên nhiều người dân có nhu cầu xây dựng nhà tư để ở. Xin hỏi, điều kiện để cấp giấy phép xây dựng nhà tư để ở và hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép  xây dựng trong trường hợp này?

Theo Điều 93 Luật Xây dựng năm 2014 thì điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị gồm:

– Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt;

– Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hoá, di tích lịch sử – văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh;

– Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 79 của Luật Xây dựng năm 2014;

– Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 95, Điều 96 và Điều 97 của Luật Xây dựng năm 2014.

* Đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng; đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

* Đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới (Điều 95) gồm:

– Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng;

– Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

– Bản vẽ thiết kế xây dựng;

– Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

Câu 8. Nhiều hộ dân tại khu tập thể C muốn cơi nới diện tích nhà ở bằng cách mở rộng thêm diện tích hiện có hoặc phá bỏ tường chịu lực ngăn cách các phòng. Xin hỏi trong trường hợp này, các hộ dân có phải xin phép cấp giấy phép xây dựng hay không? Hồ sơ gồm những giấy tờ gì?

Trong trường hợp này các hộ dân tại khu tập thể C phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng vì theo quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 thì công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình mà làm thay đổi kết cấu chịu lực thì phải xin cấp giấy phép xây dựng. Giấy phép xây dựng trong trường hợp này là giấy phép sửa chữa, cải tạo.

Theo Điều 96 của Luật Xây dựng năm 2014 thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo công trình bao gồm:

– Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình.

– Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở theo quy định của pháp luật.

– Bản vẽ, ảnh chụp hiện trạng của bộ phận, hạng mục công trình, nhà ở riêng lẻ đề nghị được cải tạo.

– Đối với công trình di tích lịch sử – văn hóa và danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng, công trình hạ tầng kỹ thuật thì phải có văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.

Câu 9. Đề nghị cho biết thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng được quy định như thế nào?

Theo Điều 103 Luật Xây dựng năm 2014 quy định thì thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng như sau:

– Bộ Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng cấp I, cấp II; công trình tôn giáo; công trình di tích lịch sử – văn hóa, công trình tượng đài, tranh hoành tráng được xếp hạng; công trình trên các tuyến, trục đường phố chính trong đô thị; công trình thuộc dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phân cấp cho Sở Xây dựng, ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cấp giấy phép xây dựng thuộc phạm vi quản lý, chức năng của các cơ quan này.

– Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa thuộc địa bàn do mình  quản lý, trừ các công trình xây dựng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

– Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng do mình cấp.

– Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng không thu hồi giấy phép xây dựng đã cấp không đúng quy định thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp quyết định thu hồi giấy phép xây dựng.

Câu 10. Xin cho biết quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng?

Theo Điều 106 Luật Xây dựng năm 2014 thì  tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng có quyền và nghĩa vụ như sau:

* Về quyền:

+ Yêu cầu cơ quan cấp giấy phép xây dựng giải thích, hướng dẫn và thực hiện đúng các quy định về cấp giấy phép xây dựng;

+ Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc cấp giấy phép xây dựng;

+ Được khởi công xây dựng công trình theo quy định của Luật này.

*Về nghĩa vụ:

+ Nộp đầy đủ hồ sơ và lệ phí cấp giấy phép xây dựng;

+ Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng;

+ Thông báo ngày khởi công xây dựng bằng văn bản cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi xây dựng công trình trong thời hạn 07 ngày làm việc trước khi khởi công xây dựng công trình;

+ Thực hiện đúng nội dung của giấy phép xây dựng.

Câu 11. Công ty trách nhiệm hữu hạn A đang có nhu cầu mở rộng sản xuất nên dự kiến sẽ xây dựng thêm các nhà xưởng để chế biến thực phẩm. Vậy, để việc xây dựng phù hợp với quy định pháp luật thì trước khi khởi công xây dựng, công ty A cần chuẩn bị những điều kiện gì?

Theo Điều 107 Luật Xây dựng năm 2014 thì khi khởi công xây dựng công trình, công ty A cần bảo đảm các điều kiện sau:

– Có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng;

– Có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 89 của Luật Xây dựng năm 2014;

– Có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình khởi công đã được phê duyệt và được chủ đầu tư kiểm tra, xác nhận trên bản vẽ;

– Có hợp đồng thi công xây dựng được ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu được lựa chọn;

– Được bố trí đủ vốn theo tiến độ xây dựng công trình;

– Có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng.

Câu 12. Để bảo đảm an toàn trong quá trình thi công thì yêu cầu đặt ra đối với công trường xây dựng là gì?

Theo Điều 109 Luật Xây dựng năm 2014 quy định về yêu cầu đối với công trường xây dựng như sau:

– Chủ đầu tư có trách nhiệm lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng, trừ trường hợp nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng. Nội dung biển báo gồm:

+ Tên, quy mô công trình;

+ Ngày khởi công, ngày hoàn thành;

+ Tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tổ chức thiết kế xây dựng và tổ chức hoặc cá nhân giám sát thi công xây dựng;

+ Bản vẽ phối cảnh công trình.

– Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm quản lý toàn bộ công trường xây dựng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp chủ đầu tư tổ chức quản lý. Nội dung quản lý công trường xây dựng bao gồm:

+ Xung quanh khu vực công trường xây dựng phải có rào ngăn, trạm gác, biển báo dễ nhìn, dễ thấy để bảo đảm ngăn cách giữa phạm vi công trường với bên ngoài;

+ Việc bố trí công trường trong phạm vi thi công của công trình phải phù hợp với bản vẽ thiết kế tổng mặt bằng thi công được duyệt và điều kiện cụ thể của địa điểm xây dựng;

+ Vật tư, vật liệu, thiết bị chờ lắp đặt phải được sắp xếp gọn gàng theo thiết kế tổng mặt bằng thi công;

+ Trong phạm vi công trường xây dựng phải có các biển báo chỉ dẫn về sơ đồ tổng mặt bằng công trình, an toàn, phòng, chống cháy, nổ và các biển báo cần thiết khác.

– Nhà thầu thi công xây dựng phải có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và phương tiện ra vào công trường, tập kết và xử lý chất thải xây dựng phù hợp, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh khu vực công trường xây dựng.

Câu 13. Để trúng thầu, nhiều nhà thầu đã giảm chất lượng, thay đổi chủng loại, xuất xứ các thiết bị, đưa vật liệu xây dựng kém vào trong công trình, làm công trình nhanh xuống cấp, thậm chí rủi ro cho người sử dụng. Vậy, pháp luật quy định việc sử dụng vật liệu xây dựng trong công trình như thế nào để bảo đảm an toàn, chất lượng cho công trình?

Theo Điều 110 Luật Xây dựng 2014 quy định yêu cầu về sử dụng vật liệu xây dựng đối với các công trình xây dựng được quy định như sau:

– An toàn, hiệu quả, tiết kiệm, thân thiện với môi trường.

– Vật liệu, cấu kiện sử dụng vào công trình xây dựng phải theo đúng thiết kế xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) đã được phê duyệt, bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

– Vật liệu xây dựng được sử dụng để sản xuất, chế tạo, gia công bán thành phẩm phải phù hợp với quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

– Ưu tiên sử dụng vật liệu tại chỗ, vật liệu trong nước. Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, việc sử dụng vật liệu nhập khẩu phải được quy định trong nội dung hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phù hợp với thiết kế xây dựng và chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) do người quyết định đầu tư quyết định.

Câu 14. Xin cho biết các yêu cầu đối với thi công xây dựng công trình là gì?

Theo Điều 111 Luật Xây dựng năm 2014 quy định các yêu cầu đối với thi công xây dựng công trình như sau:

– Tuân thủ thiết kế xây dựng được duyệt, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng; bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ và điều kiện an toàn khác theo quy định của pháp luật.

– Bảo đảm an toàn cho công trình xây dựng, người, thiết bị thi công, công trình ngầm và các công trình liền kề; có biện pháp cần thiết hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố gây mất an toàn trong quá trình thi công xây dựng.

– Thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn riêng đối với những hạng mục công trình, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, phòng, chống cháy, nổ.

– Sử dụng vật tư, vật liệu đúng chủng loại quy cách, số lượng theo yêu cầu của thiết kế xây dựng, bảo đảm tiết kiệm trong quá trình thi công xây dựng.

– Thực hiện kiểm tra, giám sát và nghiệm thu công việc xây dựng, giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng khi cần thiết, nghiệm thu hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành để đưa phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại, cấp công trình và công việc xây dựng.

Câu 15. Xin cho biết về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong thi công xây dựng công trình?

Theo Điều 112 Luật Xây dựng năm 2014 quy định quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong thi công xây dựng công trình như sau:

*Về quyền:

+ Tự thực hiện thi công xây dựng công trình khi có đủ năng lực hoạt động thi công xây dựng công trình phù hợp hoặc lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng;

+ Đàm phán, ký kết hợp đồng thi công xây dựng; giám sát và yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết;

+ Đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công xây dựng theo quy định của pháp luật và của hợp đồng xây dựng;

+ Dừng thi công xây dựng công trình, yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng khắc phục hậu quả khi vi phạm các quy định về chất lượng công trình, an toàn và bảo vệ môi trường;

+ Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp để thực hiện các công việc trong quá trình thi công xây dựng công trình;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

* Về nghĩa vụ:

+ Lựa chọn nhà thầu có đủ điều kiện năng lực hoạt động thi công xây dựng phù hợp với loại, cấp công trình và công việc thi công xây dựng;

+ Phối hợp, tham gia với Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng xây dựng để bàn giao cho nhà thầu thi công xây dựng;

+ Tổ chức giám sát và quản lý chất lượng trong thi công xây dựng phù hợp với hình thức quản lý dự án, hợp đồng xây dựng;

+ Kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường;

+ Tổ chức nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình;

+ Thuê tổ chức tư vấn có đủ năng lực hoạt động xây dựng để kiểm định chất lượng công trình khi cần thiết;

+ Xem xét, quyết định các đề xuất liên quan đến thiết kế của nhà thầu trong quá trình thi công xây dựng;

+ Lưu trữ hồ sơ xây dựng công trình;

+ Chịu trách nhiệm về chất lượng, nguồn gốc của vật tư, nguyên liệu, vật liệu, thiết bị, sản phẩm xây dựng do mình cung cấp sử dụng vào công trình;

+ Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và hành vi vi phạm khác do mình gây ra;

+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Câu 16. Chủ đầu tư, nhà thầu cần tuân thủ các quy định về an toàn trong thi công xây dựng như thế nào để hạn chế các tai nạn lao động xảy ra trong khi thi công xây dựng công trình?

Theo Điều 115 Luật Xây dựng năm 2014, để bảo đảm an toàn trong thi công xây dựng công trình thì chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trình, người lao động, thiết bị, phương tiện thi công làm việc trên công trường xây dựng.

– Chủ đầu tư phải bố trí người có đủ năng lực theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng; tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện có sự cố gây mất an toàn công trình, dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn; phối hợp với nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động; thông báo kịp thời với cơ quan chức năng có thẩm quyền khi xảy ra sự cố công trình, tai nạn lao động gây chết người.

– Nhà thầu thi công xây dựng phải đề xuất, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị, tài sản, công trình đang xây dựng, công trình ngầm và các công trình liền kề; máy, thiết bị, vật tư phục vụ thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định về an toàn trước khi đưa vào sử dụng.

Câu 17. Để hạn chế các thiệt hại xảy ra, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể khi công trình có xảy ra sự cố, kịp thời xử lý sự cố và đảm bảo an toàn cho công trình thì chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, chủ quản lý sử dụng công trình, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm gì?

Theo Điều 119 Luật Xây dựng năm 2014 thì trong quá trình thi công xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng công trình nếu phát hiện nguy cơ mất an toàn, nguy cơ xảy ra sự cố công trình ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, công trình lân cận và cộng đồng thì chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, chủ quản lý sử dụng công trình, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm sau:

– Kịp thời yêu cầu dừng thi công, vận hành, khai thác sử dụng công trình và thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản;

– Thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể xảy ra đối với công trình; thông báo kịp thời cho tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có liên quan;

– Bảo vệ hiện trường, trừ trường hợp phải khắc phục khẩn cấp để ngăn chặn thiệt hại.

Khi phát hiện, được thông báo về sự cố công trình, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau:

– Thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp để khắc phục sự cố;

– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ra sự cố công trình.

Công trình có sự cố chỉ được thi công xây dựng hoặc tiếp tục vận hành, khai thác sử dụng khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết sự cố cho phép.

Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố công trình có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chịu chi phí có liên quan, bị xử lý vi phạm hành chính; cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Câu 18. Xin cho biết về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng?

Theo Điều 148 Luật Xây dựng năm 2014 quy định về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng, theo đó:

– Cá nhân tham gia hoạt động xây dựng phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận do các cơ sở đào tạo hợp pháp cấp.

– Nhà thầu là tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cấp giấy phép hoạt động.

– Những chức danh, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng độc lập phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định gồm an toàn lao động; giám đốc quản lý dự án, cá nhân trực tiếp tham gia quản lý dự án; chủ trì thiết kế quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; chỉ huy trưởng công trường; giám sát thi công xây dựng; kiểm định xây dựng; định giá xây dựng. Chứng chỉ hành nghề được phân thành hạng I, hạng II, hạng III.

– Tổ chức tham gia hoạt động xây dựng được phân thành hạng I, hạng II, hạng III do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xây dựng đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực. Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ năng lực hạng I; Sở Xây dựng cấp chứng chỉ năng lực hạng II, hạng III. Tổ chức tham gia hoạt động xây dựng phải đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp theo quy định của pháp luật.

Chi tiết về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng; điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động của nhà thầu là tổ chức, cá nhân nước ngoài; chương trình, nội dung, hình thức tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực của tổ chức và điều kiện của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về hoạt động xây dựng do Chính phủ quy định.

(Trích dẫn theo nguồn của Sở xây dựng TPHCM)

Điện thoại: (028)66549666 - 0937161888 - 0962889933
VP Hà Nội: Tầng 8 tòa nhà Sannam, Số 78 Phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội
VP TPHCM: 496/52/2A Dương Quảng Hàm, Phường 6, Quận Gò Vấp, TPHCM
Chat With Me on Zalo